CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – B
Ngày 19/8/2012
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51-
59).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái
rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời
đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy
người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt
mình cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật,
Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài,
các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì
có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta
thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở
trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta
sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi
trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh
này thì sẽ sống đời đời".
THỊT TA
LÀ CỦA ĂN
ĐTGM.
Giuse Ngô Quang Kiệt
Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất
trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết
thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố
“gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng
định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý
bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.
Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người.
Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta.
Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu
thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.
Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa
Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ
ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan
Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi ban cho ta Máu
Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.
Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau
đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình.
Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng
sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả
mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với
ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau
để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không
thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một
sáng kiến tuyệt vời.
Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước
ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình Máu Thánh Chúa thì Chúa
ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã
làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại
trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù
hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở
trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của
Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có
nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như
Chúa.
Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong
muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở
trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là
hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh
cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta
sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống
bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?
2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý
nghĩa gì?
3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn
phải làm gì?
4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa
bạn phải làm gì?
ĐTGM.
Giuse Ngô Quang Kiệt
THỊT TÔI THẬT LÀ CỦA ĂN
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Thế là câu chuyện bàn luận quanh việc
hóa bành ra nhiều đang đi vào hồi kết.
Đám đông dân
chúng đói khát cần bánh ăn để sống, họ muốn tiếp tục nhận được thứ bánh bình
thường để ăn no bụng, và họ đã không quản ngại lùng kiếm đức Giê-su. Động lực
tìm kiếm này tương tự như trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng
Gia-cóp, “Xin
ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi phải đến đây kín nước”
(Ga 4,15. Người yêu cầu họ hãy đón nhận và ăn ‘bánh hằng sống’, chứ thứ bánh họ
đang kiếm tìm không thỏa mãn được nhiều: “Bánh tổ tiên các ngươi đã ăn và họ đã chết…
Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời ”. Về nước hằng sống Người tự
giới thiệu mình: “chính
là tôi, người đang nói với chị đây!” Với
dân chúng tìm bánh ăn, đức Giê-su lại muốn trao tặng: “bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây, để
cho thế gian được sống”. Trước lời mời gọi đó, người Do Thái tỏ ra
nghi ngại. Họ khựng lại vì thứ bánh quá kỳ lạ không thể chấp nhận: “Làm sao ông này có
thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Khó khăn này sẽ được giải quyết
tương đối êm thấm qua ‘bánh được bẻ ra và trao ban’, mà chúng ta quen
gọi là “Bí
Tích Thánh Thể’. “Người cầm lấy bành… rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm
lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Ở đây đức Giê-su tiếp tục kêu mời dân
chúng làm điều mà họ cho là ghê tởm: ‘hãy ăn thịt và uống máu tôi!’, và Người viện dẫn
các lý lẽ sau đây:
-
“Ai
ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời… nếu không sẽ không có sự sống
nơi mình”
-
“Ai
ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”
-
“Kẻ
ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”
-
“Ai
ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”
‘Ăn bánh’ hay ‘ăn thịt và uống
máu’ là những kiểu nói khác nhau để cùng diễn tả một nội dung là tin
vào đức Ki-tô, điều mà bất cứ tín hữu chân chính nào cũng đều phải thực hiện để
đạt tới sự sống muôn đời. Cũng tương tự như cách nói: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước
tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một
mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14). ‘Ăn bánh tôi ban
và uống nước tôi cho’ là hai lối nói tượng hình về niềm tin thâm sâu
đặt nơi đức Ki-tô Giê-su. Niềm tin này sẽ đưa con người đạt tới sự sống vĩnh cửu;
vì nước là ‘nước
hằng sống’ và bánh là ‘bánh trường sinh’. Vĩnh cửu hay trường sinh
không chỉ là kéo dài bất tận trong thời gian, nhưng là thực chất có tính cá vị.
Đó là được ở lại cách bền vững trong bản thể và sức sống của Thiên Chúa: “Ai ăn thịt tôi, thì
ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy, Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã
sai tôi, và tôi sống nhờ Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống
như vậy”.
Do đó tin vào đức
Ki-tô Giê-su đâu chỉ đơn thuần là chấp nhận các điều răn hay giáo huấn Người dạy,
như các tôn giáo hay học thuyết khác vẫn thường làm. Niềm tin Ki-tô hữu phong
phú và rất hiện sinh. Tin là đi vào trong Thiên Chúa, một Thiên Chúa tình yêu;
là ở lại trong tình yêu vô biên đó. Tin là hội nhập và lưu lại trong Chúa Cha
và Chúa Con; là tham dự vào sức sống thần linh giữa Cha và Con. Chính vì nội
dung tin là như thế mà đức Giê-su đã sử dụng các hình ảnh táo bạo: tin là như uống
nước, là như ăn thịt – uống máu Người trao tặng. Cách nói này nghe có vẻ sống
sượng thật, nhưng lại diễn tả được cái thực tế siêu phàm mà không một lời lẽ
bình thường nào có thể lột tả hết.
Hiểu được điều này
tôi mới khám phá ra nội dung đích thực của việc ‘ăn bánh - rước lễ’. Khi tiến lên ăn bánh
Thánh Thể, tôi không chỉ đơn thuần rước Chúa vào lòng để cho Chúa ngụ lại trong
tôi. Điều đó xem ra còn quá ít. Thực tế sâu xa và vĩ đại hơn là tôi được ‘ở lại trong Người’,
được hội nhập vào Người, được sống chính sức sống của đức Ki-tô, hệt như Người
đã sống nhờ Chúa Cha. Và niềm tin của tôi vào Thánh Thể cũng không chỉ là tin
Chúa hiện diện thật trong bánh và rượu, đúng hơn là tin Người đã hiến tặng thịt
và máu của mình để tôi ăn và uống, và được đem vào sự sống phong phú đầy yêu
thương của Người. Cử hành Thánh Lễ và rước lễ trên hết là một biểu lộ thâm sâu
và tuyệt hảo của niềm tin. Ăn đức Ki-tô để tôi trọn vẹn hội nhập vào sức sống
thần linh phong phú nhất của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con không muốn
mất hút trong tư tưởng Chúa hiện diện thật trong bánh và rượu. Mỗi khi ‘ăn thịt
và uống máu Người’ xin cho con được kiện cường trong xác tín về hồng ân cao cả
là được đưa vào, và được ở lại trong sức sống tình yêu vĩ đại của đức Ki-tô
liên kết bền chặt với Chúa Cha; và như thế là con được bảo đảm vững chắc không
chết, nhưng được sống muôn đời. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
TÌNH YÊU TẬN HIẾN
Lm.Jos
Tạ Duy Tuyền
Khi nói về
thân phận phụ nữ tần tảo “một nắng hai sương”, người ta thường nhớ đến câu thơ
bất hủ của Tú Xương đã nói về vợ mình như sau:
“Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Và những ai
thích ca cổ cải lương sẽ nhớ mãi câu chuyện huyền thoại thật cảm động về Thoại Khanh –
Châu Tuấn. Chuyện kể về một người vợ chung thuỷ, một nàng dâu hiếu
thảo. Nàng lấy chồng nhưng không phải để được sống sung sướng hạnh phúc. Nàng
lấy chồng không phải để có chỗ nương tựa như bao người phụ nữ khác. Nàng lấy
chồng để được “nâng khăn sửa túi” cho chồng, và nhất là thay chồng để gánh lấy
“giang sơn nhà chồng”. Nàng cặm cụi dệt cửi thêu thùa để lo cho chồng ăn học.
Và rồi tai hoạ đã đổ ập xuống trên cuộc đời nàng, khi chồng đang mãi ứng thí
trên kinh thành, thiên tai lũ lụt đã tàn phá quê nhà đến nỗi nhiều gia đình
phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đói khổ bần cùng. Nàng cùng mẹ chồng
sống lây lất qua ngày. Lương thực thiếu thốn. Mẹ chồng già yếu, lại thêm mù
loà. Nàng đã hằng ngày róc thịt mình cho mẹ ăn. Nàng đã chấp nhận róc từng thớ
thịt của mình để nuôi mẹ già sống cho tới ngày chồng trở về để “vinh quy bái
tổ”.
Xem tuồng cải
lương về Thoại
Khanh – Châu Tuấn nhiều người đã rơi nước mắt. Nước mắt cảm thông.
Nước mắt của trái tim hoà nhịp với trái tim yêu thương của nàng dâu lấy thịt
nuôi mẹ chồng. Khóc vì ngưỡng mộ một con người giầu lòng quảng đại. Yêu tha
nhân không chỉ yêu như chính mình mà còn quên cả bản thân. Một tình yêu quá cao
vời. Nước mắt đồng cảm với một con tim không chỉ biết nói lời yêu thương mà còn
thể hiện bằng tình yêu trao ban chính thịt máu mình cho mẹ già được sống trong
an vui hạnh phúc.
Chuyện kể về
Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay không phải là huyền thoại mà là sự thật.
Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào.
Chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ
nhân loại. Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ. Ngài
yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống
cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt
Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình
và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn
đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng
rồi cũng chết. Người mẹ chồng đã từng sống nhờ từng thớ thịt nàng dâu nhưng rồi
cũng từ giã cõi trần. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn
đời.
Tình yêu luôn
phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Tình yêu đã làm phát
sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành
động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc
làm để cho người mình yêu được lớn lên trong tình yêu. Tình yêu là một quà tặng
vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món
qùa được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối và nhẹ hơn
chỉ là sự đổi trác qua lại theo lẽ công bằng với nhau.
Thế giới hôm
nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống
còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con
người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình
yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Bởi
thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng. Ngay lúc này
có hàng ngàn thai nhi bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ và có hàng triệu người chết
vì đói khổ và thiên tai lũ lụt.
Thế giới không
có tình yêu sẽ hoang tàn đổ nát tựa như cơn lũ đã tàn phá môi trường chỉ để lại
sự dơ bẩn và chết chóc. Đó chính là thảm cảnh mà chúng ta đang phải đối diện.
Bởi thiếu vắng tình yêu đã đẩy sự dữ ngày một gia tăng. Sự dữ ẩn chứa khắp nơi.
Sự dữ luôn đe doạ hủy diệt địa cầu bất cứ giờ nào. Kẻ dữ luôn gia tăng sự ác.
Kẻ lương thiện ngao ngán sự đời. Kẻ khôn ngoan né tránh. Người dại dột thì lãnh
đủ. Người ta nói rằng: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống”.
Biết để né tránh. Biết để thủ thế. Biết để an phận thủ thường. Một lối sống “biết để sống”
đến nỗi bỏ quên đồng loại, chỉ lo toan cho mình nên không có sự sáng tạo trong
yêu thương. “Biết
để sống” dẫn đến đa nghi nên thế giới chẳng ai tin ai. Thế giới đã
chết vì thiếu vắng tình yêu.
Mỗi lần chúng
ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình
yêu Chúa tuôn chảy trong con tim của chúng ta để chúng ta dám hiến dâng chính
mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi
người biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chắc chắn
cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Con người sẽ hạnh phúc và lạc quan hơn. Ước gì mỗi
người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em
niềm vui và hạnh phúc. Xin đừng bao giờ biến mình thành ác qủy luôn đe doạ sự
sống tha nhân và trở thành mối lo của xã hội. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm
rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi
là khi vui sống muôn đời”. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
HỒNG
ÂN THÁNH THỂ
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
Không gì trên
đời quý bằng sự sống. Dù có bị thiên
tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì
vẫn còn may.
Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ
vượt trên hết mọi ân huệ. Theo nhà văn Jack London thì "thà làm một con chó sống còn hơn làm
một con sư tử chết". Làm một con chuột sống còn hơn một con voi
chết! Thế nên người ta thường nói: "Mạng sống quý hơn đống vàng".
Vì yêu thương con người
trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả
mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà
còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.
Thông ban sự sống
thần linh
Thiên Chúa Cha
là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha. Người thông ban Sự
Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con). Chúa Giê-su xác
nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ
Chúa Cha” (Ga 6, 57)
Một khi nhận
được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giê-su không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm
cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành
nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để
nên một với cây nho vườn.
Muốn cho một
bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải
được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho
loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một
với Chúa Giê-su.
Thế nên, Chúa
Giê-su lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh
rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người
thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong
Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”
Những ai “ở lại trong Chúa
Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được
thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời
là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không
phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh
cửu không bao giờ tàn phai.
Đức Giê-su nói
với người Do-thái rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này,
sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51). “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,
54)
Thế là thông
qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giê-su, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với
Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho
họ.
Khi thông ban
Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý
hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.
Biến đổi con người thành Chúa Giê-su
Ngoài ra, khi
tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được
biến đổi để nên một Giê-su khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định: “Thực thế, chúng
ta thông phần Mình và Máu Chúa Ki-tô là để được biến thành Đấng chúng ta rước
lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo
hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)
Giáo huấn của
Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su, chúng ta
được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Ki-tô, bạn nên một với
Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở
thành những người mang Đức Ki-tô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân.
Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích
bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày
thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)
Lạy Chúa Giê-su,
Hồng ân Chúa ban
thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết
nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn
chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng
ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
ĂN UỐNG THỊT MÁU TRƯỜNG SINH
Lm. Vĩnh Tiến
Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là
của uống. (Ga 6, 51-58)
Sau phép lạ bánh hóa ra nhiều, nuôi 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà,
con trẻ, vẫn dư 12 thúng đầy. Chúa Giê-su đã từ từ dẫn dân chúng mở rộng cái
đầu để hiểu rộng hơn điều người muốn dạy: Người là bánh từ trời xuống. Manna
ngày xưa trong sa mạc chỉ là hình bóng, Thiên Chúa ban trong lúc không thể cày
cấy được, để sống qua ngày. Ngài mới chính là bánh đích thực từ trời xuống,
Chúa Cha ban, để bất cứ tin ở Người sẽ được sống đời đời. Hôm nay Người còn cho
biết thêm: Thịt người chính là của ăn, và Máu Người chính là của uống? Nghe
qua, ai ai cũng tá hóa tam tinh. Chẳng cứ gì người Do Thái thời Chúa Giê-su.
Nhưng có lẽ chẳng ai cho là khó nghe, khi nói rằng người mẹ đã nuôi con bằng
chính máu thịt bà ?
1.
Thịt Máu đã được chế biến.
Trong thực tế, chỉ mọi cà răng căng tai thời xa xưa mới ăn thịt người.
Hoặc là những kẻ khát máu muốn trả mối hận không đội trời chung, như mẹ con
nàng Herodiade, thì cũng chỉ dám xin cái đầu của Gioan Tẩy giả, để khỏi nghe
những lời chân thực chói tai. Hay như anh chàng Đavít, khát lấy con vua, mới có
gan để lấy hàng trăm cái “của quý” của quân Philiptinh, đem về tiến vua là
cùng. Từ ngàn xưa, chả có loài vật nào bình thường do Thiên Chúa dựng nên, lại
đi ăn thịt sống đồng loại của mình, phương chi con người được dựng nên giống
hình ảnh Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương.
a/ Lời thấm sâu vào ngôn ngữ con người.
Thế thì, tại sao Chúa Giê-su cứ láy đi, láy lại cái điệp khúc: Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì được sống muôn đời. Ai không ăn thịt và uống máu tôi thì
không có sự sống muôn đời ? Thật ra, Chúa chỉ muốn nhấn mạnh để lôi
kéo sự chú ý mà thôi. Thánh Kinh đã cho biết: Ngoài tư cách là người như chúng
ta, Ngài còn là Ngôi Hai Thiên Chúa, chính tự bản tính ấy, Lời Người là sự sống
vĩnh cửu, cho nên ai tin vào Lời, gắn bó với Lời, bước theo Lời, tất nhiên được
sự sống của Lời thông ban nâng đỡ từng phút giây và sẽ đi chỗ hoàn toàn giống
như Lời, trong ngày chấm dứt cuộc sống trong thân xác bụi đất này. Con người
tiếp xúc nhiều với ánh sáng, không khí, đồ ăn, da thịt sẽ hồng hào, săn chắc,
tươi tắn và phát triển hơn.
Lời của Thiên Chúa trước tiên được viết bằng tiếng Aram , kề đó dịch sang tiếng Hy Lạp,
La tinh, rồi đạo Chúa được truyền giảng tới đâu, thì Kinh thánh lại được dịch
sang tiếng nơi ấy. Cho đến nay, Kinh thánh là quyển sách được đọc nhiều nhất
trên thế giới. Nó được dịch sang 2.454 ngôn ngữ khác nhau. Nghĩa là Lời đã ngấm
sâu vào ½ ngôn ngữ nhân loại. Khi tiếp cận như thế, đặc biệt với các ngôn ngữ
phổ biến, ngôn ngữ của mỗi nơi cũng hấp thu được những tinh hoa, cô đọng trong
Kinh Thánh, cũng như trong các ngôn ngữ khác nhau. Lời đã rửa tội cho ngày lễ
thờ Thần Mặt Trời làm ngày mừng Chúa Giáng Sinh; cách tính thời gian năm tháng
theo Dương Lịch; cây thập tự, một hình khổ, dành cho những kẻ tử tội ghê gớm
nhất, trở thành giá treo Chúa, dấu hiệu của chiến thắng vinh quang, đối tượng
của sự cứu rỗi; chúng ta có nền văn mình Ki-tô Giáo….Đồng Mỹ kim có giá trị lưu
hành khắp thế giời đều có ghi hàng chữ lớn: “In God, we trust.” Ngay cả chủ
nghĩa Maxisme cũng phỏng theo Lời dạy của Chúa trong Kinh thánh, rất tiếc có một
điều trái ngược hoàn toàn, là họ lấy việc tôn sùng cá nhân lãnh tụ, thần thánh
hóa người đã chết, thay vào chỗ Thiên Chúa duy nhất hằng sống mà thôi. Chủ
nghĩa tư bản ngày nay cũng muốn phản ứng ngược lại với Lời, bằng cách áp đặt tư
do cá nhân, lên địa vị độc tôn của Thiên Chúa.
Đạo Chúa đến VN vào đầu thế kỷ 17. Kinh thánh, chúng ta không nắm rõ
được dịch ra tiếng Việt từ bao giờ, nhưng một điều chắc chắn là Chữ Quốc Ngữ,
việc tôn kính ông bà tổ tiên, việc có các vị Tử Đạo VN, là do tác động không
nhỏ của Lời Chúa được rao giảng trên quên hương này.
b/ Bằng cái chết đau thương.
Trước đêm bị trao nộp, Chúa Giê-su, trong bữa ăn sau cùng với các môn
đệ, người đã cầm bánh, dâng lời tạ ơn Chúa Cha và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà
ăn.” Sau đó, Người cũng làm tương tự khi cầm chén rượu và nói: “Này là chén máu
Thầy, Máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội,
các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Thực tế, sau lời truyền phép long trọng đầu tiên và cuối cùng đó của
chính Chúa, bánh và rượu vẫn còn là nguyên bánh và rượu, không thay đổi một tí
nào về hương, sắc, lẫn mùi, vị, hình, dáng, chỉ có điều duy nhất, nhưng cực kỳ
quan trọng, đức tin dạy chúng ta rằng: Bản chất của bánh
và rượu, giờ đây đã trở thành Thịt và Máu của Chúa. Ngày hôm
sau, trên thập giá, Chúa đã để những giọt máu và nước từ cạnh sườn bị đâm thủng
chẩy ra, và rồi Người kêu lên: “Ta khát.” Phải chăng Người khao khát các linh
hồn. Trước khi tắt thở, Người lại kêu
lớn tiếng lần chót: “Mọi sự đã hoàn tất.” Phải chăng Người muốn
nói, Người đã hoàn tất việc lập bí tích Thánh Thể, bí tích ban Thịt và Máu
Người, những gì đã được chế biến, nấu chín trong đau khổ, trong tự hiến, để ban
phát cho chúng ta, những ai tin và lãnh nhận, ắt sẽ nhận được sự sống thần linh
của Người. Như chúng ta đã nghiên nát những trái nho, những hạt lúa miến trong
cối, hòa tan trong nước và làm chín trong lửa trước khi dùng để truyền phép.
2.
Trong cuộc sống hằng ngày.
Hầu hết con người đều ăn đủ thứ thịt, chẳng trừ thịt con vật nào, nhưng
cũng chẳng ai ngây thơ khờ khạo đến nỗi chộp được chúng là bỏ vào miệng vội
vàng ăn sống nuốt tươi, mà không làm sạch, chế biến, tẩm ướp muôn vàn thứ gia
vị…và nhất là không chiên xào nấu nướng trước khi ăn.
Kinh Thánh kể, khi nghe Chúa nói về việc ăn thịt và uống máu người, có
nhiều cho là chói tai, đã bỏ đi, trong đó, có nhiều môn đệ. Chúa quay ra hỏi
các tông đồ: “Còn
anh em, anh em có muốn bỏ đi chăng? Ông phê-rô đã mạnh mẽ thưa lại
rằng: “Lạy
Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời
đời.” Hơn 2 ngàn năm qua, hàng hàng lớp lớp những người tin Chúa, đã
nghe lời Chúa, đã ăn Thịt và uống Máu Chúa. Họ đang được tăng sức, họ được tràn
đầy hy vọng, để sống khỏe mạnh tươi vui, hăng hái, chung tay xây dựng cuộc đời
ngày một tốt đẹp, đậm tình người, tình Chúa hơn. Chẳng những thế, còn sẵn sàng
chia sẻ nâng đỡ những người kém máy mắn, những người bị xã hội loại ra ngoài
lề.
Rất nhiều người đã đi tới đích mà Chúa đã hứa. Đó là Đức Mẹ, thánh cả
Giuse, các Tông đồ, các thánh nam nữ… và chắc chắn cũng sẽ đến lượt chính chúng
ta, cũng được tái ngộ cùng Ba Ngôi Thiên Chúa và Triều Thần Thánh trên trời.
Chính vì thế, chúng ta mới có mặt ở đây. Chúng ta luôn sẵn sàng thực hành lời::
“Chúng con
tuyên xưng Chúa chịu chết và loan truyền Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”.
Dù bị bách hại, khai trừ, gươm đao, tù tội, thậm chí cả đến chết chóc vẫn không
sờn.. Vì chính
lúc quên mình là lúc gặp lại bản, vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ,
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…Amen.
Lm. Vĩnh Tiến
LƯƠNG THỰC CỦA NGƯỜI KHÔN
PM. Cao Huy Hoàng
Ở đời ai
cũng cho mình là khôn. Không ai muốn bị người khác bảo mình là dại dột. Ai cũng
cho mình là hay, là hơn, là nhất, và cái gì của mình cũng hay, cũng hơn, cũng
nhất. Không ai muốn thua ai đến nỗi chỉ giữa hai người mà người ta cũng dùng
phép so sánh nhất: “Nhà tôi với nhà chị thì nhà tôi giàu nhất”, “Con tôi với
con chị thì con tôi học giỏi nhất”. Thậm chí ngay trong gia đình, vợ giành khôn
hơn chồng, chồng giành khôn hơn vợ. Ai cũng giành cái khôn nhất cho mình, khôn
từ kiến thức, kinh nghiệm, đến lời ăn tiếng nói, đến cả cách ăn cách mặc, cách
ứng xử, cách kiếm sống, cách hưởng thụ tiêu khiển, cách ăn chơi.
Cuộc đời
trần gian như một cuộc lữ hành. Con người cho mình là khôn và tự sức mình đi
tìm hạnh phúc, đi tìm đất sống. Cuối cùng là khi chưa tìm được hạnh phúc, chưa
tìm được đất sống và cũng không muốn tìm đất để chết, cũng đã phải chết và trở
về lòng đất, nơi mà có thể cả đời mình chưa hề bận tâm tới. Một cuộc lữ hành
gần như vô định hướng.
Biết bao
người “tự cho
mình là khôn” đang nhan nhản giữa chúng ta, và có khi cả chính chúng
ta nữa, những người Công Giáo. Mấy chục năm nay, thêm một khẳng định trơ trẽn
mà người ta vẫn cho như là chân lý của người khôn thời đại vô thần rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành
cơm”. Không thấy có chút khái niệm
nào về sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của thần linh trong suy nghĩ của
người vô thần. Đến khi biết được “bàn tay ta” cũng có hồi bại
liệt, “sức người” cạn kiệt thì mới
vỡ lẽ ra hết đời, rồi liều mình tuyến bố “chết là hết”. Ôi, thật là tệ hại
cho cái túi khôn của con người kiêu ngạo, như “con
chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.
Với các Kitô
Hữu Công Giáo, thiết tưởng phải ý thức rất rõ về sự hiện diện của mình trên
trần gian nhờ và trong thánh ý của Thiên Chúa, phải ý thức về sự mỏng dòn của
đời người để biết tìm một nơi nương tựa vững chắc là Thiên Chúa, phải ý thức
rất chuẩn về cùng đích của cuộc đời là được sinh ra bởi Tình Yêu và sẽ trở về
với Tình Yêu của Thiên Chúa… Vì thế, cuộc đời là một cuộc hành hương. Hành
hương đi tìm đất sống, tìm hạnh phúc thật, hạnh phúc vô biên.
Cuộc hành
hương ấy là cuộc lữ hành ý nghĩa, có địa chỉ, có định hướng, có niềm hy vọng,
có mục đích. Ý nghĩa cuộc đời không phải là sự chết của thân xác hay hư nát,
nhưng chính là sự sống và sự sống lại của thân xác cần phải hư nát.
Người đi
trong cuộc lữ hành cần ăn để có sức đi. Nhưng tiếc là, đến một lúc chắc chắn
rằng con người không còn sức để ăn nữa, và hiểu là cũng không còn sức để đi. Và
lúc ấy mới hiểu ra lương thực trần gian cũng tạm bợ, cũng hư nát như cuộc đời
trần gian vậy. “Tay ta làm nên tất cả” mà tất cả ấy là thứ tất
cả chóng vánh, hư nát. “Sỏi đá cùng thành cơm”, nhưng rồi cơm bánh
trần gian chỉ nuôi ta một thoáng đời ngắn ngủi.
Lời
Chúa hôm nay chỉ ra cho thấy thế nào là khôn hay dại đích thực trong cuộc lữ
hành trần gian. Và đặc biệt hơn cho biết lương thực của người khôn là lương
thực không hề hư nát để có một cuộc sống không hề hư nát. Lương thực ấy chính
là Thánh Ý của Thiên Chúa và Thánh Thể Chúa Giêsu.
Từ Cựu
Ước, lương thực ấy được sách Châm Ngôn đề cập đến: "Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu
ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và
hãy bước theo đường lối khôn ngoan" ( Cn 9, 5 – 6 ).
“Bước
theo đường lối khôn ngoan” là hãy
tìm thánh ý của Đấng Khôn Ngoan, Đấng thượng trí tuyệt đối. Tin vào sự hiện
diện của Thiên Chúa và thưởng nếm sự thiện hảo của Ngài khi để cho sự thiện hảo
của Ngài khẽ chạm vào cuộc sống, để sự thiện hảo của Ngài hướng dẫn mọi suy
nghĩ, mọi hành vi.
Đừng trơ
trẽn cậy dựa vào sức mình nhưng hãy cậy vào sức của Chúa.
Thánh
Vịnh đáp ca nhắc nhở: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện
hảo nhường bao” ( Tv 33, 9a ).
Thánh
Phaolô lại khuyên “Hãy
ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa” ( x. Ep 5, 15 – 20 ).
Và đặc
biệt hơn cả, Tin Mừng theo Thánh Gioan cho biết Lương Thực của người khôn ngoan
là chính Thịt Máu Chúa Giêsu:
"Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu
các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự
sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và
Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” ( x. Ga 6, 51 – 59 ).
Người
khôn ngoan là người tin có đời sau, và biết lo cho mình được sống không chỉ ở
đời này, mà còn được sống ở đời sau.
Biết bao
người trong chúng ta cũng đang sống theo cách sống của những người không tin có
đời sau, nên chẳng tha thiết với lương thực trường sinh của người khôn ngoan
theo thánh ý Chúa. Đã vậy, lại còn tiếp tay với những kẻ vô thần bằng cách
thinh lặng trước những xúc phạm tày trời đối với Thiên Chúa, đối với những
người tin Chúa, và cả với Thánh Thể Chúa Giêsu.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn
khôn ngoan biết chọn Chúa làm noi nương tựa vững chắc trong cuộc đời, và biết
sống nhờ sức sống nơi Thánh Ý và Thánh Thể Chúa. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 16-8-2012
MÁU THỊT ĐỨC GIÊSU LÀ CỦA ĂN TÂM LINH
JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta đã
mang danh là «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» bao nhiêu lần, thậm chí hằng ngày
suốt bao năm trường. Nhưng đời sống
tâm linh của ta có thật sự tiến triển không? Có những bước tiến vĩ đại - như
đúng lý phải có - so với những người không «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» không?
2. Nếu không có những bước tiến to tát, thì có
phải do Lời của Đức Giêsu không đúng, hay do quan niệm về Thánh Thể và cách
thức «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» của chúng ta không đúng?
3. Phải quan niệm về bí tích Thánh Thể thế nào? và
phải «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» thế nào cho đúng?
Suy tư gợi ý:
1. «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống»
Như lời xác nhận của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng
hôm nay, thì bản thân Ngài chính là lương thực nuôi dưỡng và bồi bổ tâm linh
con người. Vấn đề mà chúng ta cần phải đặt ra hôm nay không còn là lý giải chân
lý ấy nữa, mà là áp dụng chân lý ấy vào đời sống tâm linh thực tế của chúng ta.
Cả đời người Kitô hữu từ lúc rước lễ lần đầu đến lúc chết, việc áp dụng chân lý
này trong đời sống tâm linh luôn luôn được những người hướng dẫn tâm linh nhắc
nhở, khuyến khích thực hiện bằng việc rước lễ, tức rước Mình Máu Thánh Đức
Giêsu.
Tuy nhiên, lâu lâu chúng ta cũng cần phải nhìn lại
xem việc áp dụng chân lý quan trọng ấy có thật sự đem lại kết quả thực tế trong
đời sống chúng ta chưa, và kết quả thế nào, có thật sự thỏa mãn chúng ta đúng
như lời Đức Giêsu hứa chưa. Nếu quả thực sau nhiều năm rước Mình và Máu Thánh
Đức Giêsu vào lòng mà chúng ta cảm thấy có tiến bộ thật sự trong đời sống tâm
linh, thì đó là một điều hết sức đáng mừng. Nhưng nếu không được như vậy thì
chúng ta cần phải xét lại. Cũng tương tự như khi uống một loại thuốc bổ được
mọi người nói là thần dược một thời gian mà không thấy có kết quả gì khác lạ
hơn là khi không uống, ắt nhiên ta phải lấy làm lạ, và phải đặt lại vấn đề. Có
thể lời người ta ca tụng về loại thuốc ấy là sai sự thật, nhưng cũng có thể là
ta đã sử dụng không đúng cách loại thuốc ấy.
Là người Kitô hữu hay tu sĩ lâu năm, nếu ta đã
rước lễ hàng ngày hay hàng tuần suốt mấy chục năm trường rồi, mà ta vẫn không
thấy mình tiến bộ về mặt tâm linh hơn những người ngoại, hay hơn những người
khô khan ít lãnh nhận bí tích, thì ta cần đặt vấn đề lại. Trong thời đại khoa
học thực nghiệm này, sự tiến bộ tâm linh nếu có ắt phải được được chứng tỏ bằng
những sự kiện rõ rệt như: khả năng yêu thương ngày càng rộng rãi và bao trùm
hơn, tính vị tha ngày càng nhiều hơn, có khả năng hy sinh cho tha nhân nhiều
hơn, nội lực tinh thần mạnh mẽ hơn, sự khôn ngoan kiểu Thiên Chúa (chứ không
phải kiểu trần gian) tăng triển hơn, bình an và hạnh phúc trong tâm hồn nhiều
hơn và biểu hiện rõ rệt hơn, v.v… Nếu không có được những dữ kiện cụ thể như
thế, chúng ta nên thành thật nhìn nhận rằng mình đã không tiến bộ tâm linh gì
cả hay bao nhiêu. Lúc đó, chúng ta cần đặt lại vấn đề quan niệm về bí tích
Thánh Thể và cách rước Chúa của chúng ta.
2. Cần quan niệm cho đúng về bí tích Thánh Thể
a) Bí tích Thánh Thể không
phải là bùa chú hay phù phép
Nhiều Kitô hữu quan niệm Mình Máu Thánh Chúa tương
tự như một thứ bùa chú hay phù phép, cứ việc nuốt vào bụng là tự động sinh hiệu
quả mong muốn. Quan niệm như thế thì thật là sai lầm. Họ quan niệm Thánh Thể
không khác gì những yêu tinh trong truyện Tôn Ngộ Không quan niệm về thịt Đường
Tăng, cho rằng hễ ăn được thịt của ông thì sẽ tự nhiên sống lâu trường thọ. Nếu
có khác thì chỉ khác ở chỗ thay vì trường thọ về mặt thể chất thì được trường
thọ hay phát triển về mặt tâm linh, mà không cần phải có một ý thức hay nỗ lực
nào.
b) Thức ăn tâm linh thì phải
ăn bằng tâm linh
Thực ra, Mình Máu Thánh Chúa hay thịt và máu Đức
Giêsu là của ăn tâm linh bổ dưỡng tâm hồn. Thức ăn tâm linh thì chủ yếu phải ăn
bằng tâm linh chứ không phải bằng thể xác. Điều quan trọng để được bổ dưỡng tâm
linh là phải gặp gỡ được Đức Giêsu và nhận được sức mạnh từ nơi Ngài. Việc gặp
gỡ Ngài ở đây cũng cần được hiểu là gặp gỡ bằng tâm linh chứ không phải bằng
thể chất.
c) Gặp gỡ Thiên Chúa phải gặp
gỡ bằng tâm linh
Nếu chỉ gặp gỡ bằng thể chất mà thôi thì hoàn toàn
chẳng ích lợi gì. Các kinh sư Do-thái xưa cũng gặp gỡ và nói chuyện với Đức
Giêsu nhiều lần, nhưng họ có được biến đổi gì đâu, trái lại họ chỉ trở nên tồi
tệ, cứng lòng và độc ác hơn. Một chàng trai ăn chơi hưởng lạc trong ổ gái điếm,
tuy chung đụng xác thịt với các cô gái, nhưng như thế đâu phải là gặp gỡ họ
đúng nghĩa. Trong một đống gạch, hai viên gạch xếp cạnh nhau hay chồng lên
nhau, tuy có trực tiếp tiếp xúc với nhau thật lâu, nhưng như thế đâu thể gọi là
gặp gỡ.
Sự gặp gỡ đòi hỏi một thái độ nội tâm hơn là tiếp
xúc bằng thể chất. Văn chương Việt Nam có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên
đối diện bất tương phùng» (có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dặm vẫn có
thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì dù có đối diện với nhau cũng
chẳng thể gặp nhau).
Vì thế, có biết bao Kitô hữu nuốt Thánh Thể vào bụng hằng ngày mà chưa bao giờ
thật sự gặp được Đức Giêsu. Vì thế, họ có rước lễ hằng ngày suốt cả cuộc đời
thì đời sống tâm linh của họ chẳng hề thay đổi, bởi họ chẳng hề được nuôi dưỡng
bằng Thánh Thể. Nếu thật sự gặp gỡ Đức Giêsu, tâm hồn ta chắc chắn phải được
biến đổi. Thời Ngài còn tại thế, có những người chỉ cần thật sự gặp gỡ Ngài một
lần là được biến đổi hoàn toàn như Da-kêu (Lc 19,1-10), người trộm lành (Lc
23,39-43)…
d) Muốn thật sự gặp gỡ Đức
Giêsu, phải có tình yêu
Theo câu nói văn chương trên thì điều quan trọng
để thật sự gặp nhau là phải có «duyên»
với nhau. Muốn gặp Chúa, kết hiệp hay nên một với Ngài thì phải có «duyên» với Ngài, nghĩa là phải có một sự
đồng cảm hay một sự giống nhau nào đấy với Ngài. Ta thấy dầu và nước không thể
hòa tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải
có những hóa tính căn bản giống nhau mới hòa tan với nhau được. Cũng vậy, «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16), nên
muốn gặp Ngài hay kết hiệp với Ngài thì chính mình cũng phải có ít nhiều tình
yêu, có lòng vị tha, có thiện chí muốn gặp gỡ Ngài bằng bất cứ giá nào. Một
người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét
thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ cả chục lần một ngày. Thánh Gioan
xác định: «Ai không yêu thương, thì không biết (=kinh
nghiệm về) Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8); «Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong
chúng ta » (4,12); «Nếu ai có của
cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng
thương, thì làm sao Thiên Chúa ở trong người ấy được? » (3,17).
3. Phương cách «ăn» Mình và Máu Thánh Đức Giêsu
Ăn theo nghĩa vật chất đòi hỏi một số tác động như
đưa thức ăn vào miệng, nhai, nuốt, và sau đó là cả một tiến trình làm việc âm
thầm của dạ dày, gan, mật, ruột… để biến thức ăn thành chất bổ dưỡng. Tất
cả đều là tác động thể chất. Còn «ăn thịt» và «uống máu» Đức Giêsu hoàn toàn là
những tác động tâm linh. Hình bánh, rượu và tác động nuốt vào bụng đều là những
dấu chỉ mang tính bí tích nói lên một thực tại tâm linh có thực ở đằng sau. Nếu
chỉ ăn hay uống Ngài theo kiểu vật chất thì chẳng khác gì ăn một mẩu bánh hay
uống một ly rượu, chẳng ích lợi gì cho tâm linh ta cả. Do đó, cần phải biết «ăn»
hay «uống»
Ngài theo kiểu tâm linh. Tôi đã trình bày vấn đề này trong hai bài chia sẻ
trước (Chúa Nhật 18 và 19 Thường Niên). Cách «ăn» hay «uống» ấy hệ tại việc ý thức
thường xuyên Đức Giêsu là Thiên Chúa với bản chất thần linh, là nguồn sống,
nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện
hảo trên trời dưới đất. Bản chất thần linh và tất cả những nguồn này đang hiện
diện ngay trong bản thân ta, sẵn sàng lan tràn sang bản chất của ta, biến đổi
bản chất ta nên giống Ngài, làm ta nên mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, tình yêu,
trí tuệ, can đảm, v.v… Ý thức thường xuyên như thế ta sẽ dần dần thấy tâm linh
ta được biến đổi thật sự một cách có thể kiểm chứng được. Và sự biến đổi đó sẽ
là một thực chứng, một kinh nghiệm tâm linh làm nền tảng cho đời sống thần linh
của ta. Đời sống tâm linh phải được xây dựng trên những thực chứng về Thiên
Chúa, về sức mạnh của Ngài. Nếu không, nó chỉ là một mớ lý thuyết không có khả
năng đem lại lợi ích tâm linh thực tế.
Cầu Nguyện
Lạy Cha, con đã «ăn uống Mình Máu Thánh Đức Giêsu» suốt
bao nhiêu năm trường, nhưng dường như con chẳng tiến bộ tâm linh bao nhiêu. Xin
cho con biết đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh: máu thịt Đức Giêsu là lương
thực tâm linh, tại sao con ăn uống máu thịt ấy hằng ngày, hằng tuần, mà tâm
linh con vẫn yếu hèn? Xin dạy con cách thức «ăn uống Mình Máu Thánh» cho đúng với ý mà Đức Giêsu mong muốn.
JKN
MARKETING BÁNH TỪ TRỜI
AM
Trần Bình An
Ngày xưa Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ, hình ảnh
nông thôn, dân dã, mộc mạc để diễn tả mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Nước Chúa.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những thuật ngữ kinh tế dùng trong bài
dưới đây đều phổ thông, gần gũi, cũng có thể sữ dụng để diễn tả Lời Chúa. Kính
mong đối với bất cứ ai, chúng không trở nên cớ xúc phạm, bất kính Thiên Chúa.
Theo một số tài liệu thì thuật ngữ Marketing xuất
hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và được đưa vào Từ điển tiếng Anh
năm 1944. Xét về mặt cấu trúc, thuật ngữ Marketing gồm gốc "market"
có nghĩa là "cái chợ" hay "thị trường" và hậu tố
"ing" diễn đạt sự vận động và quá trình đang diễn ra của thị trường.
Tại Việt Nam, một số tài liệu thường hay dịch từ
marketing sang tiếng việt là "tiếp thị". Tuy nhiên, từ "tiếp
thị" không thể bao hàm hết được ý nghĩa của marketing, nó chỉ là phạm vi
hẹp của marketing.
Một kế hoạch marketing để đạt được thành công đòi
hỏi sự kết hợp chiến lược và hiệu quả của 4 chữ P (Product, Place, Price,
Promotion) - Sản phẩm, Phân phối, Định giá và Khuyến mãi. (Wikipedia)
Từ 21 thế kỷ trước Chúa Giêsu đã khéo léo
Marketing về Bánh Từ Trời, về Nước Trời rất nhuần nhuyễn. Nắm bắt từ nhu cầu
sinh tồn đến khao khát trường sinh của con người, Chúa Giêsu đã ân cần dẫn dắt
các khách hàng tiềm năng đến tuyệt đỉnh Cõi Phúc trường sinh.
1. Siêu phẩm: Bánh Từ Trời
Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là Bánh Từ Trời xuống. Ai ăn bánh này
sẽ được sống muôn đời.”(Ga 6, 51). Người chính là siêu phẩm, đứng
trên mọi thứ sản phẩm trong thế gian, không có gì sánh nổi. Bánh Từ Trời tồn
tại, không hư hao, không biến đổi, mãi mãi tinh tuyền nguyên thủy, nguyên chất
cho đến muôn đời, dưới hai dạng Lời Chúa và Thánh Thể.
2. Phân phối: Phổ thông
Siêu phẩm này được phân phối bởi chính Chúa Giêsu.
Sau đó bởi các Tông đồ, môn đệ, và đến nay bởi Giáo Hội, thông qua các Chủ
Chiên cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nhưng mấu chốt vẫn là
nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa:
Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi
kéo người ấy và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,
44)
Dẫu vậy, như xưa có lời chép trong sách ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ
được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha,
thì sẽ đến với tôi.”(Ga, 6, 45)
Hơn nữa, để phân phối sâu rộng khắp nơi, khắp
chốn, khắp thời đại, mỗi tín hữu Ki tô đều được mời gọi trở nên chứng nhân, hay
nhân viên tiếp thị cho Bánh Từ Trời. "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn
loài" (Mc 16, 15)
3. Định Giá: Vô giá
Vì là siêu phẩm, chứ không phải sản phẩm bình
thường như manna trước đây, nên Bánh Từ Trời này vô giá, độc nhất vô nhị, vì có
công năng phi thường, đem lại sự sống vĩnh cửu. “Đây là Bánh Từ Trời xuống, không phải như
bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn
đời.” (Ga 6, 58)
4. Khuyến mãi: Biếu không và có thưởng
Dù vô cùng quý hiếm, vô giá, nhưng lại cho không,
biếu không, hoàn toàn miễn phí. Chỉ ban tặng, chứ không bán buôn cho ai. “Và bánh tôi sẽ
ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,
51) Nhưng với điều kiện: “Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sống đời đời.”
(Ga, 47)
Hơn nữa, còn
được giải thưởng tuyệt vời. Ai ăn Bánh này còn hứa hẹn trúng lô độc đắc thật
vinh phúc: “Ai
ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống
lại vào ngày sau hết.” Bởi vì: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở
lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống, đã sai tôi, và tôi sống nhờ
Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”(Ga
6, 54 -57)
Mỗi khi trao Chúa Giê su Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý
thức trao cả đời con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng
với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai.(ĐHV
, 376)
Lạy Chúa, con cảm
tạ, ngợi khen, tán tụng Chúa đã thương yêu, ban Bánh Từ Trời dưỡng nuôi con
sống đời đời.
Lạy Mẹ Maria, con
xin Mẹ nâng đỡ, hộ trỉ con luôn xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, hầu con luôn
vững cậy trông vào Chúa trước phong ba cuộc đời. Amen.
AM Trần
Bình An
“VĂN HÓA ẨM THỰC” BÁNH HẰNG
SỐNG
Pio X Lê Hồng Bảo
Trên thế gian này, nói đến SỐNG tức là nói
đến ĂN. Có người ĂN để SỐNG nhưng cũng có người SỐNG để ĂN. Ở những
nước phát triển, người dân không cần phải lo lắng đến cái ĂN; nhưng ở
những nước kém phát triển, cái ĂN là mối quan tâm hàng đầu. Vào một
gia đình, bạn có thể nhìn mâm cơm mà đoán ra mức sống của họ.
Chuyện ăn uống còn hình thành cả một nền văn hóa mà người ta hay
gọi là “văn
hóa ẩm thực”. Người ta có thể dựa vào cách ăn, món ăn mà
truy cứu cả một nếp sống, sinh hoạt, lịch sử của một cộng đồng.
Người ta cũng có thể quan sát cách thế và thói quen ăn uống của một
người để nhận ra tính cách của người đó. Tôi nhớ ngày xưa, món cơm
tấm bì chỉ là món điểm tâm bình dân cho những người lao động nặng
như: phu khuân vác, xích lô, ba gác. Thật vậy, ăn tô phở xong mà đạp
một cuốc xích lô thì kể như mất toi bữa ăn sáng. Hơn nữa, giá một tô
phở đâu phải rẻ! Tấm là loại gạo dưới sàn do bị háp nắng nên nấu
không nở, ăn lâu tiêu, được bán với giá rẻ. Dĩa cơm tấm bình dân không
gánh nổi lát thịt nên phải dùng da heo thế vào, nhai cũng dai dai và
có vị thịt. Thế là xong một bữa sáng chắc bụng! Vậy mà hôm nay nó
đã trở thành “đặc sản cơm tấm” với lát sườn nướng to bằng bàn tay
và cái ốp la bự chảng.
Cuộc sống đi lên chăng? Thưa, chưa chắc! Vấn
đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại là vấn nạn hàng đầu trong xã hội
hôm nay. Trước đây, chúng ta chỉ mới gặp hàng hóa giả; nay lại có thêm
cả thực phẩm giả: trứng giả, gạo giả, cá mực giả, măng giả, cà phê
giả, nhân bánh bao giả… Ngay cả những thực phẩm thật cũng chẳng an
toàn bởi tác động của hóa chất. Người ta có thể “hô biến” một tảng
thịt ôi thành một tảng thịt tươi roi rói, người ta có thể khiến trái
cam để cả tháng vẫn tươi… Chả thế mà phát sinh câu nói: “Hãy nói cho
tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn sống được bao lâu?”
Giữa muôn hình vạn trạng “lộng giả thành chân” ấy, chúng ta phải
đứng trước nhiều lựa chọn hơn cho cái ĂN của mình.
Giữa lúc ấy, Lời Chúa lại vang vọng: “Ai ăn thịt Ta và
uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau
hết” (Ga 6, 55). Không có vị sáng lập tôn giáo nào từng nói
điều đó. Các vị chỉ đưa ra giáo lý, giáo điều để giúp con người
hướng thiện nhưng không thể là của ăn cho mọi người được. Chúa Giêsu
đem đến cho thế gian này, ngoài Lời Hằng Sống còn là Bánh Hằng Sống
để nuôi dưỡng sự sống thần linh trong mỗi chúng ta. Bánh Hằng Sống
này chính là Thịt và Máu Người đã hiến tế trên Thập Giá. Cái chết
của Người là một hy lễ cứu rỗi chứ không đơn thuần chỉ là một cái
chết tự nhiên. Người xuống thế gian này chịu chết để “nhờ Người mà
chúng ta được sống” (xGa1. 4, 9). Bởi: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm
nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết… thì nhờ một người duy nhất đã thực
hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính,
nghĩa là được SỐNG” (xRm 5, 12; 18).
Nhưng Người đã phục sinh vinh hiển sau cái chết hy tế vì Người chính
là Đấng Hằng Sống, là nguồn mạch mọi sự sống; để minh chứng rằng
Thịt-Máu Người là Bánh Hằng Sống thực có giá trị mang lại cho tất
cả chúng ta sự sống trường sinh.
Tôi chợt nhớ một câu chuyện gần đây: Trong
một dịp họp mặt bạn bè cũ có dâng Thánh lễ Tạ Ơn, một anh bạn có
cuộc sống khá đàng hoàng, gương mẫu nhưng không chịu lễ. Sau Thánh
lễ, một người bạn khác hỏi: “Sao vậy? Có vướng mắc gì à?” Anh bạn
mỉm cười: “Lâu
quá chưa đi xưng tội nên… ngại!” Anh bạn khác chen vào: “Vậy là cậu
sợ… lạ bụng hả?” Có vài anh bạn phản đối cách nói đùa
của anh bạn này và cho đó là “sự phạm thánh”, nhưng tôi lại thấy tuy
hơi thô thiển nhưng nó đã diễn tả chính xác một cách sống thờ ơ
hiện nay. Người thường xuyên ăn rau bỗng dưng ăn thịt một bữa là bị…
lạ bụng! Chị Việt kiều mới xa quê mấy năm, nay trở về lúc nào cũng
kè kè chai nước tinh khiết cũng vì sợ… lạ bụng! Cũng thế, chúng ta
đang trở nên xa lạ với Mình Thánh Chúa vì nếp sống thờ ơ hiện nay.
Không cần phải đắn đo lựa chọn nữa! Hãy
tập thói quen ĂN Bánh Hằng Sống. Hãy thiết lập một nền “văn hóa ẩm thực Bánh Hằng Sống”.
Nền văn hóa ấy không chỉ hệ tại ở việc rước Chúa hằng ngày qua Bí
tích Thánh Thể mà còn là cách sống không nô lệ tội lỗi, cách lắng
nghe Lời Hằng Sống, cách thực thi Thánh Ý trong nếp sống hằng ngày,
cách chia sẻ cơm bánh cho những người anh em chung quanh… “Nếu vì bạn ăn
một thức ăn, mà bạn làm phiền lòng người anh em, thì bạn không còn sống theo đức ái nữa. Đừng
vì chuyện ăn uống mà làm cho người anh em của bạn phải hư mất, vì Đức Ki-tô đã
chết cho người ấy” (Rm 4, 15). “Văn
hóa ẩm thực Bánh Hằng Sống” còn là thông truyền sự
sống ta đã được thụ hưởng cho những người chung quanh: “Đức Ki-tô đã
chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (Cr 2.
5, 15).
Giáo Hội vừa mừng kính lễ Cha Thánh Maximiliano Kolbe.
Trong chiến
tranh thế giới thứ 2, cha Max cung cấp chỗ ở cho hàng ngàn người Balan,
Công giáo cũng như Do thái. Ngài liều mạng cứu giúp những người đau khổ này.
Ngày 17 tháng 2 năm 1941, ngài bị bắt, bị nhốt vào trại tù tại Warsaw. Sau đó,
ngài bị dẫn đến trại tập trung Auschwitz, nơi phải lao động nặng nhọc, bị đánh
đập và đối xử tàn tệ. Dầu vậy, ngài cũng lén giải tội, và giảng giải cho
anh em tù nhân về tình yêu Chúa Kitô. Khi người canh ngục đem đồ ăn đến, ngài
đứng ra một bên để các tù nhân khác lấy trước. Đôi khi đến lượt ngài thì không
còn gì cả.
Một hôm, có
người tù trốn trại. Kết quả là 10 tù nhân khác phải bị phạt nhịn đói mà chết
dưới hầm ngạt hơi. Khi họ chọn 10 người phải phạt chết, một người khóc oà
lên:" Vợ tôi, con tôi, tôi không bao giờ thấy chúng nữa sao?" Cha
Kolbe liền tiến lên, xin chết thay cho người vừa khóc.
Trong hầm
ngạt hơi, cha Kolbe hướng dẫn 9 người bạn cầu nguyện, hát kinh Đức Mẹ Thiên
Chúa. Sau 2 tuần, cha Kolbe vẫn còn sống, cai tù đã chích thuốc độc giết cha.
Xác ngài bị đốt cùng với các tù nhân khác. Cha
Maximiliano Kolbe đã trút hơi thở đúng vào lễ vọng Ðức Maria hồn xác lên trời.
Sức sống thần linh
trong Bánh Hằng Sống đã khiến cho Cha Kolbe trở thành tấm bánh bẻ ra
cho mọi người cho dù ở trong hoàn cảnh nào. Khi mới bị cầm tù, Đức Cố Hồng Y
F.X. Nguyễn Văn Thuận cũng đã rất hoang mang vì rất nhiều kế
hoạch ngài muốn thực hiện cho đàn chiên đang lao đao ngoài kia đành bị
bỏ dở. Nhưng sau đó, ngài nghe như có tiếng Chúa nói với ngài: “Con chọn Ta hay
công việc của ta?” Từ đó, ngài đã chọn kết hiệp với Chúa
trong mọi hoàn cảnh. Suốt thời gian chịu giam cầm, ngài đã trở nên
tấm bánh yêu thương trao ban cho những người cai tù và bạn tù một sức
sống khác: linh diệu và an bình. Từ dòng suy tư về năm chiếc bánh và
hai con cá, ngài đã viết nên tác phẩm Đường Hy Vọng như một chứng từ
sống động cho mọi người về sức sống thần linh khi kết hiệp mật thiết
với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn
tìm đến Chúa qua Bí tích Thánh Thể vì chỉ có Chúa mới mang lại cho
chúng con sự sống thực và là sự sống đời đời. Nhờ sức sống trong
Mình Thánh Chúa, chúng con biết mạnh dạn từ chối những cám dỗ của
sự sống tạm bợ ở đời này. Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo
BÁNH BỞI THỊT VÀ MÁU TÔI.
(Ga 6, 51-58)
“Thịt tôi, thật chính của ăn,
Máu tôi của uống, muôn năm trường
tồn.”
Mới nghe ai cũng hoảng hồn,
Làm người, ai lại ăn người sống nhăn?
Chúa rằng: Ai chẳng có ăn,
Máu tôi chẳng uống, ắt thời ra ma.
Ai ăn thịt, uống máu này,
Sẽ sống thân mật hằng ngày bên tôi.
Chúa Cha hằng sống sai tôi,
Tôi đây đang sống nhờ Người mà thôi.
Ai ăn cùng uống thân tôi,
Nhờ tôi sẽ sống muôn đời cùng Cha.
Tổ Tiên ăn bánh mana
Mọi người đã chết, ra than hết rồi
Ai ăn, uống, thịt, máu tôi,
Sẽ sống hạnh phúc, trường tồn vinh quang.
Hỡi ai gánh nặng lầm than,
Lại tôi bổ sức, hiên ngang xây đời.
Ra đi tung cánh vang trời,
Rắc gieo tình mới tin vui muôn người.
Anh em đoàn kết, hiệp lời,
Ngợi khen Thiên Chúa, trên trời hoan ca.
8/8/2012
Lm.
Vĩnh Tiến
BÁNH TÌNH THƯƠNG
CN 20 TN B; Ga 6, 51 – 58
Ta là Bánh từ trời ban xuống
Thịt thức ăn, Máu uống không sai
Lời Ta tuyên bố công khai
Vinh quang kẻ ấy lâu dài tương lai
Thờ lạy Chúa những ai thao thức
Nếu mất Ngài kiệt sức héo hon
Tình yêu hiện diện sắt son
Thông phần trọn vẹn xác hồn chúng ta
Ơn cao cả sâu xa nhuần thấm
Ăn nhai vào nghiền ngẫm nguyện xin
Trở nên giống Chúa như in
Đây là mầu nhiệm đức tin rõ ràng
Luôn thông chuyển hiến dâng cao ngút
Bánh trường sinh cuốn hút say mê
Dồi dào sức sống tràn trề
Đời đời nuôi dưỡng chẳng hề mất tan
Thịt Máu Chúa của ăn khôn sánh
Như cây nho thân nhánh kết liên
Từng giây từng phút triền miên
Hợp hoan giao kết đôi bên ngọt ngào
Phép Thánh Thể làm sao suy thấu !
Đồi CanVê đổ máu thập hình
Trở nên Tấm Bánh Thần Linh
Tình thương muôn thuở hy sinh dạt dào
Lm.
Khuất Dũng sss
THẦN LƯƠNG HUYỀN NHIỆM
"Ta là bánh hằng sống
từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được
sống muôn đời."
(Gioa-an 6:51)
Giê-su,
lương thực cho con
Của ăn
huyền nhiệm trông mong vơi đầy
Nhân sinh ở
cõi lưu đày
Cháo cơm
chỉ để dạ dầy được êm
Mọi người
ắt phải cần thêm
Bánh thiêng
hằng sống, ngày đêm nuôi hồn
Cuộc đời
khốn khó chất chồng
Nhưng không
một chút tơ hồng than van
Ngài ban ơn thánh ủi an
Tăng bồi sức lực trần gian lữ
hành
Dặm trường hạnh phúc yên lành
Về Quê Hương thật Cha dành
thương yêu!
Nguyễn Sông Núi - Aug. 16, 2012
BAN NIỀM KHAO KHÁT
Lạy Ngài ban cho con niềm khao khát
Khát của ăn, khát nước uống Thần Linh
Man-na đời cơ cực suốt hành trình
Không
no thỏa đường trần gian tội lụy
Lạy
Ngài dẫn con theo đường Thiện Mỹ
Hiểu
tình yêu Mình Máu Chúa trường sinh
Để
khát khao chia sẻ chính thân mình
Cùng
tha nhân chan hòa Bàn Tiệc Thánh
17-8-2012
Hương
Sion
BÁNH ÂN TÌNH
(Ga 6, 51- 58)
Tôi là Bánh Trường Sinh
Nuôi trần gian tháng ngày
Ai nhận ăn bánh này
Được
no đầy, thanh thản .
Ông
này ăn nói phạm...
Làm
sao trao thịt mình ?
Có ai
đã trường sinh
Dù
Mô- sê cũng chết !
Tôi
nói cho mà biết
Thịt
tôi chính của ăn
Máu
tôi là của uống
Con
Người từ trời xuống
Làm
Lương Thần nuôi dân.
Tôi
đến nơi thế trần
Theo
lời Cha truyền bảo
Kẻ
sống nhờ cơm gạo
Hư
nát theo cỏ cây
Ai
tin nghe lời ngay
Từ
miệng Ta hàng ngày
Sống
thiên thu bất diệt...
Tôi
bảo cho mà biết
Tôi
sống nhờ Chúa Cha
Còn
ai tin vào Ta
Sống
lại ngày sau hết .
Đây là
Bánh Trường Sinh
Bánh
tình yêu, cứu độ.
Đây
là bánh ân tình
Như
thác nguồn tuôn đổ...
Đỗ Văn
MÌNH MÁU CHÚA
Trong
cuộc sống đâu chỉ cần lương thực
Nuôi
xác phàm phải cực nhọc mưu sinh
Bao
gian tham để giữ lấy cho mình
Kho
của cải chỉ riêng mình hưởng thụ
Trẻ
mồ côi những ông gìa bà cụ
Bước
lang thang không đủ sức nuôi mình
Người
dư thừa vẫn có kẻ lặng thinh
Không
thương xót không nghĩ tình đồng loại
Xã
hội vẫn còn mang nhiều bại hoại
Chúa
xót thương ban loại bánh bởi trời
Bánh
bởi Lời bánh hằng sống đời đời
Là
thịt máu con Chúa Trời ngự xuống
Như
Chúa phán máu Ta là của uống
Máu
ước giao vĩnh cửu xuống muôn dân
Và thịt Ta là tấm bánh hồng ân
Ai ăn uống dự phần nơi Thiên Quốc
Máu thịt Chúa hằng ngày như viên thuốc
Chữa hồn ta không chuốc lấy ưu phiền
Không hành động như một kẻ cuồng điên
Yêu tha nhân trọn niềm vui trong sáng
Con lậy Chúa muôn lần con không đáng
Rước Chúa vào lòng soi sáng mọi nơi
Nhưng con tin xin Chúa phán một lời
Linh hồn con sẽ một đời trong sạch
Vincent
Khánh Trần
BÁNH TRƯỜNG SINH
(CN 20 TN B - Ga 6,51-58)
TA là chính Bánh trường sinh
ĐÂY là Thịt Máu chính mình hiến
thân
LÀ thần lương dưỡng muôn dân
BÁNH thiêng rượu thánh hồng ân
sống đời
TRƯỜNG tồn bất tử người ơi
SINH vào Nước Chúa đời đời phúc
thay
AI đang vất vả đêm ngày
ĂN Ta sẽ được đổi thay tâm hồn
SẼ thôi khốn khổ bôn chôn
SỐNG trong hạnh phúc chẳng nôn
nao gì
QUANG sang chức phận ai bì
VINH làm con Chúa thực thi Ý Ngài
ĐỜI này khiêm tốn miệt mài
ĐỜI sau con sẽ cùng Ngài quang
vinh
TIỆC này là tiệc đức tin
TRỜI ban cho kẻ biết mình biết
Cha
DỌN cho ai biết ngợi ca
SẴN sàng khao khát thiết tha lộc
Trời
ĐÂY là cuộc luyện tinh khôi
RỒI qua thử thách sáng ngời đức
tin
ĐẾN quê vĩnh phúc quang vinh
MÀ cùng Chúa hưởng trọn tình
yêu thương
THƯỞNG công người đã đúng đường
THỨC canh đợi Chúa kỹ cương luật
Ngài
CON tìm hạnh phúc tương lai
ƠI người trung tín miệt mài cậy
trông
TA hằng
thổn thức trông mong
CHỜ
con đến dự tiệc lòng Ta trao.
Scholastica
BÁNH HẰNG SỐNG
CN XX TN-B - (Ga 6,51-58)
“Bánh hằng sống!” Đám đông sôi nổi
Đức Giê-su nguồn cội từ trời
Ăn Ngài sẽ sống muôn đời
Tin Ngài thiết lập diệu vời tương giao!
Hấp thụ Chúa suối trào ân thánh
Thịt máu Ngài nên bánh trường sinh
Giê-su tự hiến bẻ mình
Trao ban nhân loại uy linh lương
thần.
Ki-tô hữu thông phần ân sủng
Mối tương quan trung dũng tiến xa
Ba Ngôi tình mến diệu hòa
Vinh Danh Thiên Chúa hoan ca kính
thờ.
Bồi dưỡng kẻ ngây thơ khờ dại
Tiệc khôn ngoan khoản đãi thế nhân
Dẫn đường hiểu biết thiện chân
Hơn tình cha mẹ ân cần nuôi con.
Thuở thai mẹ rút bòn thịt máu
Hóa sữa lành ẩn náu cung son
Trước khi tạo dựng núi non
Thánh Thần thánh hiến nên con Chúa
Trời.
Dưỡng nuôi tiếp Bánh Lời hằng sống
Ước mong người mở rộng tim yêu
Con tin tình Chúa huyền siêu
Trần gian hồng phúc thiên triều vinh
quang.
Cát Vàng
BÁNH TÌNH YÊU
Chính Tôi là Bánh Bởi Trời
Ai ăn sẽ sống muôn đời trường sinh
Bánh là Lương Thực Thần Linh
Cho người tháp nhập Thân Mình cùng
Tôi
Tình Yêu có tự muôn đời
Khát khao chia sẻ phận người tha
hương
Hóa thân nhục thể khiêm nhường
Gieo Lời Sự Sống trên đường trần gian
Tình yêu thôi thúc trao ban
Hóa thân Tấm Bánh Lương Thần trường sinh
Ai người ăn bánh ngọt tình
Khôn ngoan chiếm hữu phúc vinh hiệp hòa
Tình yêu độ lượng thứ tha
Đem tôi vào cuộc thăng hoa với Người
Cùng chung hạnh phúc rạng ngời
Tôi, Người thông hiệp vời vời trong Cha
Tình yêu không sợ chia xa
Giữ tôi êm ấm trong nhà Chúa tôi
Còn chi hạnh phúc giữa đời
Như đồng xanh có tay Người dắt đi
Còn thiếu chi? Tôi sợ chi!
Trong bàn tay Chúa phù trì đỡ nâng
Hồn tôi là cõi thiên đàng
Dẫu là dương thế vô vàn hiểm nguy
Tạ ơn Lương Thực huyền vi
Yêu thương đã đến độ trì đời tôi
Là Thịt, là Máu cao vời
Ẩn thân Hình Bánh cho người phúc ân
Khôn ngoan tình níu lại gần
Tôi thành một xác một thân với Người
Giao duyên cuộc sống đời đời
Tôi ôm bảo chứng Nước trời mai sau
17-8-2012
Mic.
Cao Danh Viện
HUYỀN NHIỆM
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)
Tình yêu tuyệt diệu phủ trần
gian,
lương thực thần linh, Chúa
tặng ban.
Dòng máu tuôn tràn, nuôi trí
tuệ,
xác thân nghiền nát, dưỡng tâm
can.
Niềm tin đón nhận, nên hoàn
thiện,
tư tưởng hiệp thông, hướng
kiện toàn.
Thánh Thể Ngôi Lời, nguồn sự
sống,
thiên thu hạnh phúc, hưởng
trường an.
17/08/2012
Hạt Nắng
BÁNH TÌNH YÊU
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)

Chúa
yêu trần gian, tình yêu rất cao vời,
nắng
gắt trên đồi, chiều xưa máu lệ rơi.
Lễ
vật tình yêu, hy sinh vì bạn hữu,
hiến
máu thịt mình, nên lương thực thần linh.
Chúa
nuôi hồn con, bằng chính máu thịt mình,
thắm
thiết ân tình, tặng ban Bánh trường sinh.
Thánh
Thể tình yêu, uy linh Bàn Tiệc Thánh,
thiết
tha gọi mời, muôn người đến mà ăn.
Bánh
tình yêu, Chúa thương tặng ban,
cho
con niềm bình an, giữa dòng đời bão tố.
Đường
chông gai, gian khó, luôn có Chúa đồng hành,
vững
bước trung thành, son sắt một niềm tin.
Bánh
trường sinh, sức sống thần linh,
ban
muôn vàn hồng ân, ấm nồng tình dâng hiến.
Tình
thâm sâu, tan biến, tình mật thiết cùng Người,
sự sống
muôn đời, trong ánh sáng Phục Sinh.
Sáng
soi niềm tin, trung kiên giữa cuộc đời,
giữa
những tiêu điều, tan hoang, vắng tình yêu.
Chúa
gọi mời con, ra đi làm nhân chứng,
bẻ
bánh đời mình, gieo hạt giống tình yêu.
17/08/2012
M.
Madalena Hoa Ngâu
HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)
Yêu thế trần, trái tim Ngài thôi thúc,
sáng tạo diệu kỳ, ban hạnh phúc trường sinh.
Chịu đớn đau, dâng hiến máu thịt mình,
chịu nghiền nát, nên của ăn hằng sống.
Nên của uống, trái tim Ngài mở rộng,
dòng suối hồng, thỏa cơn khát tâm linh.
Sự sống thần linh, hòa tan thắm ân tình,
ai đón nhận sẽ không còn đói khát.
Ở lại trong Ngài, hưởng niềm vui hoan lạc,
viên mãn, muôn đời nguồn mạch suối trinh trong.
***
Đồi Can-vê, năm xưa thắm tình nồng,
hy lễ mới, giao hòa, nguồn sống mới.
Tình hiến trao, tình huyền siêu, diệu vợi,
vẫn nồng nàn trên bàn Tiệc Thánh hôm nay.
Tình thiết tha, tình sống động, tràn đầy,
mời nhân thế, sẻ chia Tình Thánh Thể.
Tăng sức mạnh, bước trên đường dương thế,
hội nhập tim nồng trong sức sống thần linh.
***
Thế
giới ngày nay, nhân loại sống điêu linh,
niềm
tin đánh mất, tình yêu đang rạn vỡ.
Bao
kẻ lạc đường, chuốc muôn vàn đau khổ,
tấm
thân tàn, khắc khoải đợi bình minh
***
Trước
Thánh Thể, con dâng hiến đời mình,
xin
Chúa biến đổi, đời con thành của lễ.
Bước
vào đời, dẫu tình đời dâu bể,
noi
gương Ngài, thành quà tặng tình yêu.
Đem
niềm vui vào cuộc sống hoang liêu,
đem
niềm hy vọng cho người đang thất vọng.
Kiến
tạo hạnh phúc giữa dòng đời dao động,
bẻ
tấm bánh đời mình,
trong
khiêm nhường, phục vụ, hy sinh.
Nhân
chứng giữa đời về Thiên Chúa Phục Sinh,
là
Bánh Hằng Sống, Trường Sinh, Nguồn Hạnh Phúc.
17/08/2012
Bâng
Khuâng Chiều Tím
TÌNH YÊU NHIỆM MẦU
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)
Không
có tình yêu nào cao quí và thiết thân hơn,
Người
hiến máu thịt mình, kết hiệp với người mình yêu.
Để
người mình yêu, sống nguồn thánh ân sung mãn,
để
người mình thương, chung hưởng sự sống thần linh.
Không
có niềm tin nào phong phú và tín trung hơn,
tin
Bí Tích Nhiệm Mầu, hiến tặng suối nguồn trường sinh.
Hội
nhập thần linh, trong Người, sống đời công chính,
đón
nhận thần lương, tăng sức mạnh bước dặm trường.
Ôi!
Tấm bánh bởi trời,
Ôi!
Lương thực thần linh, lương thực hằng sống.
Chịu
nghiền tan – tình yêu chứa chan,
chịu
đớn đau – hiến lễ nhiệm mầu.
Thông
truyền cho con, nguồn mạch sự sống,
mật
thiết không rời, ân sủng tuyệt vời,
tình
yêu nên một trong Cha.
Trên
bước đường gian trần, giông tố phủ lối con đi,
ơn
thánh Chúa phù trì, sức mạnh đối diện hiểm nguy.
Biến
đổi hồn con, quên mình, sống tình nhân ái,
chấp
nhận hòa tan, nên bánh hiệp thông nồng nàn.
16/08/2012
Nắng
Sài Gòn
GẶP GỠ TÌNH YÊU
CN XX TN-B - (Ga 6, 51 – 58 )

Thật lạ lùng Tình yêu Thiên Chúa,
yêu con người chan chứa bao la.
Hiến thân hy lễ giao hòa,
trao ban Máu Thịt thiết tha ân tình.
Chịu nghiền nát thân mình dâng hiến,
chịu dung hòa tan biến trong con.
Trở thành lương thực thơm ngon,
tình thân thắm thiết sắt son ngàn đời.
Bàn Tiệc Thánh gọi mời con đến,
cùng với Ngài dâng hiến tình yêu.
Đáp lời dâng lễ huyền siêu,
trái tim rạo rực nắng chiều vươn cao.
Chúa gọi con đi vào cuộc sống,
gặp gỡ Ngài sống động yêu thương.
Nơi người bất hạnh, lỡ đường,
khổ đau, đói khát, đêm trường gió sương.
Theo chân Chúa bước đường nhân chứng,
dẫu đường xa điêu đứng, gian nan.
Thần lương của Chúa trao ban,
giúp con vững tiến vượt ngàn chông gai.
Gió
chiều thổi mát hồn ai,
tăng
nguồn sinh lực đường dài bước đi.
Cùng
Ngài dạo khúc tình si…
AP. Mặc
Trầm Cung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét